Call Margin là gì? Nhà giao dịch cần làm gì khi bị Call Margin
Các hạng mục bài viết: Giao dịch CFD  
Thẻ gắn: call margin là gì  
Thời gian đăng bài: 2024-2-27
Một số thuật ngữ phổ biến trong giao dịch nhưng thường không được ưa thích của các nhà đầu tư khi xuất hiện và thậm chí là ác mộng đối với nhiều trader. Một trong số những thuật ngữ được đề cập là “Call Margin”. Hãy cùng tìm hiểu xem Call Margin là gì, lệnh Call Margin xuất hiện khi nào và tại sao các nhà giao dịch không thích điều này xảy ra cũng như cần làm gì để tránh bị Margin Call.
Margin là gì?
Trước khi tìm hiểu xem Margin Call là gì, bạn cần biết được Margin là thuật ngữ gì. Margin hay còn được gọi là ký quỹ là một thuật ngữ mô tả khoản tiền mà bạn được các công ty chứng khoán hoặc sàn giao dịch cho mượn để có thể mở một vị thế giao dịch có quy mô lớn hơn so với vốn mà bạn đang có.
Chính bởi vậy mà trong cộng đồng bạn còn có thể thấy Margin được gọi với tên gọi khác là “đòn bẩy tài chính”.
Margin được sử dụng phổ biến trong hầu hết các thị trường đầu tư tài chính, từ chứng khoán, Forex, hàng hoá cho đến thị trường giao dịch tiền điện tử. Tuy nhiên, tỷ lệ Margin ở mỗi thị trường sẽ khác nhau. Thậm chí chúng khác nhau tùy theo quy định của mỗi quốc gia, mỗi công ty chứng khoán hoặc sàn giao dịch và cả tuỳ loại cổ phiếu, cặp tiền tệ mà bạn muốn giao dịch.
Call Margin là gì?
Là một công cụ tăng khả năng sử dụng vốn cho các nhà giao dịch hiệu quả nhưng Margin vẫn là một “con dao hai lưỡi". Nếu không biết cách sử dụng sao cho hợp lý, việc thua lỗ hay cháy tài khoản là cái kết mà bạn có thể đoán trước. Khi sử dụng Margin, sẽ có một số ngưỡng mà bạn cần chú ý bao gồm: ký quỹ ban đầu, ký quỹ duy trì, Call Margin và buộc đóng lệnh.
Trong đó, Call Margin là lệnh mà sàn giao dịch hoặc công ty chứng khoán gửi đến các nhà giao dịch yêu cầu ký quỹ thêm. Call Margin xuất hiện khi giá trị danh mục đầu tư của bạn giảm xuống dưới mức ký quỹ duy trì tức là khi giá cổ phiếu giảm mạnh hoặc các cặp tiền tệ không hoạt động như những gì bạn dự tính. Thực tế, lệnh gọi ký quỹ có thể xuất hiện ở bất cứ thời điểm nào nhưng khi thị trường có biến động cao, khả năng xảy ra Call Margin cũng lớn hơn.
Cách tính Margin Call
Công thức để tính giá xuất hiện Margin Call đó là:
Giá Margin Call = Giá mua ✕ [(1− Ký quỹ ban đầu)/(1 − Ký quỹ duy trì)]
Hoặc cũng có một công thức tính khác để tính tỷ lệ an toàn bằng cách nhân giá trị tài sản với tỷ lệ ký quỹ duy trì bắt buộc. Khi giá giảm xuống dưới mức này, bạn sẽ nhận một lệnh gọi ký quỹ. Thông thường bạn sẽ nhận thông báo qua ứng dụng giao dịch, cảnh báo qua email hoặc có thể nhận được điện thoại từ sàn mà bạn thực hiện giao dịch. Hầu hết các công ty chứng khoán đều sẽ công bố mức ký quỹ hoặc mức đòn bẩy cung cấp cho các loại cổ phiếu khác nhau. Bạn có thể dựa vào mức này để tính mức giá Margin Call.
Nhà đầu tư cần làm gì khi bị Call Margin
Nhiều nhà đầu tư nghĩ rằng khi bị gọi ký quỹ là hết. Thực tế, khi bị sàn giao dịch hoặc công ty chứng khoán gửi cảnh báo Call Margin, các nhà giao dịch vẫn có thể lựa chọn nạp thêm tiền vào tài khoản để tiếp tục ký quỹ hoặc đóng lệnh giao dịch hiện tại.
Trong đó, nếu bạn cảm thấy thị trường có thể đảo ngược chiều di chuyển theo những gì bạn dự tính, bạn có thể nạp thêm tiền để tránh sàn đóng lệnh tự động hoặc bán cổ phiếu bù vào phần ký quỹ. Tuy nhiên, nếu cảm thấy đó là ngưỡng rủi ro mà bạn có thể chịu, bạn có thể chủ động đóng lệnh để tránh thua lỗ thêm hoặc bị đóng lệnh tự động ở mức giá không mong muốn.
Những điều cần lưu ý để tránh Margin Call
Trong cộng đồng các nhà giao dịch thường có những giải pháp khá hài hước, đó là cách tốt nhất để tránh bị Call Margin là bạn đừng sử dụng Margin. Điều này không sai, nhưng xét tổng thể đây vẫn là công cụ hiệu quả, bạn hoàn toàn có thể sử dụng nó với một số lưu ý sau:
- Đọc và tìm hiểu kỹ về các tỷ lệ Margin: Có nhiều nhà giao dịch cảm thấy chỉ cần biết cơ bản Call Margin là gì còn lại những gì liên quan đến tỷ lệ ký quỹ là không cần thiết. Hầu hết các sàn giao dịch, công ty chứng khoán uy tín đều sẽ công khai các tỷ lệ này bao gồm cả tỷ lệ mà lệnh Margin Call sẽ xuất hiện.
- Theo dõi biến động thị trường: Khi sử dụng Margin, bạn sẽ cần theo dõi thị trường một cách sát sao hơn, đặc biệt khi nó có những dấu hiệu biến động mạnh.
- Đa dạng hóa danh mục: Điều này theo quy tắc phân bổ đầu tư, phân bổ rủi ro. Nó vừa có thể giúp các nhà đầu tư tối đa hoá lợi nhuận mà cũng có thể phần nào giúp các nhà đầu tư trong việc kiểm soát Margin trong giao dịch.
Trên đây là những thông tin cơ bản, ngắn gọn nhằm giúp bạn hiểu hơn Call Margin là gì cũng như cách tính toán và một số chú ý liên quan để bạn biết cách và có thể sử dụng công cụ này một cách hiệu quả hơn.