Chỉ báo Bollinger Bands là gì? Cách sử dụng hiệu quả
Các hạng mục bài viết: Giao dịch CFD  
Thẻ gắn: chỉ báo bollinger bands  
Thời gian đăng bài: 2024-6-4
Nếu là một nhà giao dịch theo trường phái phân tích kỹ thuật thì Bollinger Bands là một trong những công cụ hữu ích mà bạn không nên bỏ qua. Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết hôm nay xem chỉ báo Bollinger Bands là gì, chỉ báo bb cho chúng ta biết được điều gì và làm thế nào để giao dịch hiệu quả với chỉ báo kỹ thuật này?
Bollinger Bands là gì?
Bollinger Bands là tên một chỉ báo kỹ thuật được phát triển một nhà đầu tư, một nhà phân tích kỹ thuật - John Bollinger từ những năm 1980. Chỉ báo BB thường được các nhà giao dịch sử dụng để đo lường độ biến động của giá thị trường cũng như hỗ trợ xác định vùng giá tiềm năng. Xuất hiện trên thị trường hơn 30 năm, chỉ báo Bollinger Bands vẫn luôn là một chỉ báo kỹ thuật hữu ích được các nhà giao dịch tin tưởng lựa chọn bởi nó có thể áp dụng trong nhiều thị trường cũng như sự hiệu quả mà công cụ này mang lại.
Thành phần chỉ báo Bollinger Bands
Chỉ báo này bao gồm ba đường đơn tạo thành ba dải băng, được cấu tạo từ đường SMA (đường trung bình động giản đơn). Ba dải được đề cập ở đây bao gồm:
- Middle Band (Dải giữa): Chính là đường trung bình động giản đơn trong 20 chu kỳ
- Upper Band (Dải trên): Là khoảng giữa đường phía trên đường SMA20 và đường SMA 20
- Lower Band (Dải dưới): Phần phía dưới cùng được tạo thành bởi đường SMA20 và đường phía dưới.
Cách tính chỉ báo BB
Công thức tính toán chỉ báo Bollinger Bands sử dụng độ lệch chuẩn và độ lệch chu kỳ. Chu kỳ mặc định được xác định ở đây là 20 chu kỳ và độ lệch chuẩn là 2. Trong đó:
- Dải giữa: Đường SMA20 tức lấy trung bình giá đóng cửa 20 chu kỳ liên tiếp.
- Dải trên = SMA20 + 2 x Độ lệch chuẩn 20 chu kỳ
- Dải dưới = SMA 20 - 2 x Độ lệch chuẩn 20 chu kỳ
Trong công thức tính chỉ báo BB, độ lệch chuẩn cho chúng ta biết sự chênh lệch giữa giá ở từng thời điểm so với mức giá trung bình trong chu kỳ. Thực tế, bạn cũng có thể tùy chỉnh chu kỳ cũng như độ lệch chuẩn của chỉ báo tuỳ thuộc vào trường phái giao dịch dài hay ngắn hạn mà bạn đang theo đuổi.
Ý nghĩa của Bollinger Bands
Các dải của chỉ báo Bollinger phổ biến nhất là cho các nhà giao dịch thấy được giai đoạn thị trường biến động như thế nào và sự quá mua, quá bán của thị trường. Đồng thời nó cũng mang đến khái niệm đảo ngược giá trị trung bình. Hiểu đơn giản thì các giai đoạn thị trường có độ phân tán lớn thì theo sau đó là giai đoạn phân tán thấp hơn và ngược lại.
Hướng dẫn cách sử dụng chỉ báo Bollinger Bands hiệu quả
Thoạt nhìn lần đầu bạn có thể nghĩ chỉ báo có thể hơi rối mắt và phức tạp. Tuy nhiên, bạn sẽ không còn thấy điều này khi biết cách đọc chỉ báo bollinger bands cũng như cách sử dụng nó vào trong các chiến lược giao dịch của mình.
Cách đọc chỉ báo Bollinger Bands
Chỉ báo Bollinger Bands mang lại cho các nhà giao dịch nhiều tín hiệu. Cụ thể:
- Chỉ báo quá mua và quá bán: Khi giá càng tiến dần lên phía dải trên càng cho thấy thị trường đang ở mức quá bán và ngược lại, càng tiến gần xuống phía dải dưới tức thị trường đang ở giai đoạn quá mua.
- Bollinger Squeeze: Còn được biết đến là dải Bollinger siết chặt hay “nút thắt cổ chai" xuất hiện khi khoảng cách giữa dải trên và dưới thu hẹp. Lúc này các nhà giao dịch có thể biết được thị trường đang trong giai đoạn biến động thấp. Sau giai đoạn này, giá có thể sẽ biến động mạnh mẽ và xuất hiện cơ hội giao dịch. Tuy nhiên, nó không đưa tín hiệu để các nhà giao dịch biết xu hướng thị trường theo sẽ biến động theo hướng nào.
- Bollinger breakout: Khi giá thị trường vượt lên khỏi dải trên và vượt xuống dải phía dưới cho thấy sự biến động lớn của thị trường. Tuy nhiên sự phá vỡ này không hẳn là một tín hiệu giao dịch bởi nó không mang đến tín hiệu xu hướng thị trường hay hướng giao dịch mua hay bán.
Chiến lược giao dịch với Bollinger Bands
Sau hướng dẫn cách đọc chỉ báo Bollinger Bands ở trên, chắc hẳn bạn cũng đã nắm được rằng bản thân chỉ báo này không đưa đến cho các nhà giao dịch tín hiệu mua bán. Tức là khi giá chạm hay phá vỡ dải trên không đồng nghĩa với việc bạn nên bán và ngược lại, khi giá chạm hoặc phá vỡ dải dưới không đồng nghĩa là tín hiệu mua. Thay vào đó, bạn nên kết hợp với chỉ báo kỹ thuật khác hay kết hợp với mô hình giá, mô hình nến để tìm kiếm cơ hội giao dịch.
Một số mô hình giá phổ biến thường được sử dụng kết hợp với chỉ báo BB đó là mô hình đáy đôi (mô hình hai đáy) đối với việc xác định xu hướng giảm giá mới và mô hình hai đỉnh với xu hướng tăng giá mới.
Ngoài ra bạn cũng có thể kết hợp nó với chỉ báo MACD như một sự xác nhận gia tăng sự chính xác của tín hiệu giao dịch. Chính “cha đẻ" của chỉ báo Bollinger Bands cũng khuyên các nhà giao dịch nên kết hợp chỉ báo này với các chỉ báo không tương quan khác. Nếu quan tâm tới những chia sẻ của tác giả chỉ báo, bạn có thể đọc thêm trong cuốn sách “Bollinger on Bollinger Bands" của John Bollinger.