Fibonacci là gì? Giao dịch hiệu quả với công cụ Fibonacci
Các hạng mục bài viết: Giao dịch CFD  
Thẻ gắn: fibonacci là gì  
Thời gian đăng bài: 2024-8-1
Fibonacci đã được sử dụng trong nhiều lĩnh vực như khoa học, nghệ thuật. Trong đầu tư và giao dịch, Fibonacci cũng là một trong những công cụ hiệu quả được sử dụng trong cả việc phân tích cũng như thực hiện giao dịch. Tuy nhiên, đây không phải một công cụ đơn giản chính bởi vậy mà bạn cần hiểu được fibonacci là gì, ý nghĩa của các chỉ số Fibonacci và cả những lưu ý khi sử dụng công cụ này trong giao dịch.
Fibonacci là gì?
Fibonacci là một dãy hay một chuỗi số bắt đầu từ 0 và các chữ số tiếp sau là tổng của hai số liền trước nó. Cụ thể dãy Fibonacci có dạng như thế này 0, 1, 1, 2, 3, 5, 8, 13, 21, 34, 55, 89, 114 và tiếp tục như vậy đến vô cùng. Trong giao dịch trên thị trường tài chính, Fibonacci được lấy tên đặt cho một chỉ báo kỹ thuật với những tỷ lệ liên quan được phân tích từ chính dãy số Fibonacci căn bản ban đầu.
Dãy Fibonacci được một nhà toán học người Ý - Leonardo Fibonacci phát triển vào năm 1202 bắt nguồn từ thắc mắc một cặp thỏ bố mẹ có thể sinh ra bao nhiêu thỏ con trong một năm. Về cơ bản, sau khi nghiên cứu thí nghiệm này nhà toán học người Ý đã đưa ra một phương trình toán học tương đối đơn giản dù cho ban đầu tính toán của thí nghiệm có vẻ khá phức tạp. Phương trình toán học đã được mô tả dưới dạng Xn+ 2 = Xn+1 + Xn. Và nó chính ra quy tắc đằng sau của dãy số Fibonacci.
Ý nghĩa chỉ số Fibonacci là gì?
Điều mà hầu hết các nhà giao dịch quan tâm không phải chỉ là Fibonacci là gì, mà là tỷ lệ vàng được suy ra từ dãy số đó. Hãy nhìn vào dãy số ví dụ được đề cập trong phần đầu của bài viết, bạn có thể dễ dàng thấy được số phía sau gấp số phía trước đó khoảng 1.618 và số đằng trước sẽ bằng khoảng 0.618 số liền sau trong dãy số. Những con số này được coi là tỷ lệ vàng tương ứng với các mức phần trăm như 61.8%, 161.8%.
Và trong giao dịch, ở những đường Fibonacci ở các mức phần trăm này, thị trường có xu hướng biến động. Bởi vậy mà các nhà đầu tư có thể sử dụng chỉ báo Fibonacci để dự đoán hướng đi của giá cũng như các mức cản quan trọng trên biểu đồ. Từ đó cũng có thể xác định các mức kháng cự, hỗ trợ trong quá trình phân tích thị trường của mỗi nhà giao dịch.
Có mấy loại Fibonacci?
Khi mở phần công cụ trên một số nền tảng biểu đồ trực tuyến, bạn có thể thấy được không phải chỉ có một mà có rất nhiều công cụ Fibonacci khác nhau như Fibonacci dạng quạt, Fibonacci xoắn ốc, Fibonacci Time Zone,… Tuy nhiên, về cơ bản các nhà giao dịch cần biết ba loại Fibonacci phổ biến sau:
- Fibonacci thoái lui
- Fibonacci fan
- Fibonacci arc
Đây là 3 loại công cụ phổ biến và có hiệu quả trong phân tích cho các nhà giao dịch. Hãy cùng đi vào chi tiết mỗi loại Fibonacci trong các phần tiếp sau đây.
1. Fibonacci thoái lui
Fibonacci thoái lui (Fibonacci Retracement) là chỉ báo phân tích kỹ thuật được sử dụng phổ biến nhất trong các loại Fibonacci. Nó thường được sử dụng để có thể xác định mức độ thoái lui của giá trên thị trường. Về cơ bản, bạn có thể quan sát giá trong khoảng 23.6% tới 78.6% đo lường mức độ thoái lui so với đợt sóng tăng trước đó.
Thông thường, mức độ điều chỉnh của giá sẽ không quá ⅔ so với sóng tăng trước đó và hiếm khi giá điều chỉnh quá mức 61.8%. Bạn có thể sử dụng công cụ có sẵn của các nền tảng giao dịch để bắt đầu vẽ các đường Fibonacci thoái lui. Điểm bắt đầu vẽ bạn có thể chọn ở phần đỉnh đợt tăng giá và điểm kết thúc là điểm thấp nhất của sóng tăng đó.
2. Fibonacci fan
Nếu như Fibonacci thoái lui được sử dụng để xác định mức độ thoái lui của giá thì Fibonacci dạng quạt thường được sử dụng để hỗ trợ các nhà giao dịch xác định các mức hỗ trợ, kháng cự tiềm năng trên biểu đồ. Cụ thể, phần quạt được tạo ra với các đường chéo sử dụng các mức phần trăm quan trọng như 23.6%, 38.2%, 50%, 61.8% và 100%.
3. Fibonacci arc
Như cái tên của nó, Fibonacci arc sẽ tạo ra một loạt các đường vòng cung dựa trên các mức phần trăm 38.2%, 50% và 61.8%. Với các vòng cung này, các nhà giao dịch cũng có thể dễ dàng xác định các mức kháng cự, hỗ trợ tiềm năng. Fibonacci vòng cung cũng được sử dụng để đo lường mức độ điều chỉnh và xác định xu hướng giá tiềm năng với sự bổ sung thời gian trên biểu đồ theo chiều ngang.
Ứng dụng Fibonacci chốt lời giao dịch như thế nào?
Trong xuyên suốt các phần phía trên các nhà giao dịch có thể thấy được một ứng dụng nổi bật của Fibonacci trong giao dịch đó là xác định các mức hỗ trợ, kháng cự. Trong số các chỉ báo Fibonacci thì chắc hẳn Fibonacci Extension hay Fibonacci mở rộng sẽ là cái tên được đề cập nhiều nhất khi nói đến chốt lời giao dịch. Mức chốt lời thường được xác định ở xung quanh mức 61.8% - 161.8%.
Nhược điểm khi sử dụng chỉ báo Fibonacci là gì?
Fibonacci là công cụ phổ biến được nhiều nhà giao dịch tin tưởng sử dụng, tuy nhiên nó không phải công cụ hoàn hảo. Fibonacci cũng có những nhược điểm mà các nhà giao dịch cần biết và nắm được. Cụ thể:
- Điểm bắt đầu về kết thúc mang tính chủ quan: Mỗi nhà giao dịch sẽ lựa chọn điểm bắt đầu vẽ đường Fibonacci và điểm kết thúc theo góc nhìn cá nhân. Chính bởi vậy mà các mức Fibonacci có thể dao động ở các mức giá khác nhau.
- Phân tích trên giá quá khứ: Các mức Fibonacci được xác định dựa trên biến động giá trong quá khứ và không ai đảm bảo chắc chắn giá trong tương lai sẽ biến động tương tự như trong quá khứ
- Khung thời gian: Fibonacci không hiệu quả với mọi khung thời gian mà đối với những khung thời gian thấp, công cụ này có thể đưa đến những tín hiệu giả khiến các nhà giao dịch có thể “mắc bẫy” và gặp sai lầm trong giao dịch.
Lưu ý khi sử dụng chỉ báo Fibonacci
Mặc dù có hiệu quả trong việc phân tích nhưng để sử dụng Fibonacci đơn lẻ khi ra quyết định giao dịch là điều không nên bởi thị trường sẽ có nhiều yếu tố khác tác động. Thêm vào đó, việc vẽ các đường Fibonacci mặc dù đã sử dụng công cụ có sẵn nhưng điểm bắt đầu và kết thúc cũng mang tính cá nhân và có thể không phải là đường Fibonacci chính xác nhất.
Bởi vậy mà không chỉ cần biết khái niệm Fibonacci là gì mà trong quá trình sử dụng chúng các nhà giao dịch cũng cần tự kiểm tra, cải thiện để có thể đưa ra những quyết định giao dịch chính xác.