Lệnh LO là gì? Khi nào nên sử dụng lệnh LO trong giao dịch?
Các hạng mục bài viết: Giao dịch CFD  
Thẻ gắn: lệnh lo là gì  
Thời gian đăng bài: 2024-6-2
Trong thị trường giao dịch có đa dạng các loại lệnh giao dịch. Trong số đó, lệnh LO là một trong số những lệnh phổ biến mà nhà giao dịch nào cũng cần nắm được. Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết hôm nay xem lệnh LO là gì, lệnh LO được khớp khi nào và có điều kiện gì hay không? Đồng thời, bạn nên sử dụng lệnh này khi nào và như thế nào để mang lại hiệu quả giao dịch?
Lệnh LO là gì?
Lệnh LO là viết tắt của Limit Order, có thể hiểu là lệnh chờ, lệnh điều kiện hoặc bạn cũng có thể thấy ở một số tài liệu là lệnh giới hạn. Limit Order được sử dụng để chốt mua hoặc bán ở một mức giá được thiết lập hoặc một mức giá tốt hơn. Nhà giao dịch có thể quản lý và kiểm soát giá khớp lệnh giao dịch hiệu quả hơn. Lệnh Limit có thể sử dụng cho cả lệnh mua và lệnh bán một tài sản nào đó.
Cụ thể, lệnh LO là lệnh giao dịch mua sẽ cho phép nhà giao dịch có thể thực hiện giao dịch ở mức giá bằng hoặc thấp hơn mức giá limit mà nhà giao dịch đã thiết lập trước đó. Ngược lại, đối với lệnh bán, nhà giao dịch sẽ thực hiện lệnh giao dịch khi giá thị trường cao hơn hoặc bằng mức giá giới hạn. Bạn có thể thiết lập một lệnh ở mức giá mong muốn nào đó, tuy nhiên không có gì đảm bảo chắc chắn rằng giao dịch đó sẽ được thực hiện. Điều này là do giá thị trường biến động đôi khi không theo những gì bạn mong muốn hay dự tính.
Đặc điểm của lệnh LO trong giao dịch
Lệnh LO là cách gọi chung của lệnh chờ trong các thị trường giao dịch. Vì được thực hiện ở mức giá mong muốn của mỗi nhà đầu tư nên thường lệnh này không khớp ngay lập tức. Bởi vậy nên đặc điểm của lệnh LO trong mỗi thị trường giao dịch cũng có những điểm khác nhau.
Về cơ bản thì chúng đều có điểm chung đó là giao dịch sẽ được thực hiện khi giá biến động trong một khoảng cụ thể. Điều này cũng đồng nghĩa nếu giá thị trường không rơi vào khoảng giới hạn của nhà đầu tư, lệnh LO sẽ không được thực hiện. Mặc dù phải xác định mức giá cụ thể khi đặt lệnh nhưng các sàn giao dịch sẽ tự động khớp lệnh ở mức giá tốt dựa trên mức giá cụ thể đó.
Nguyên tắc khớp lệnh LO
Như được đề cập từ phần đầu khi giải thích về khái niệm “lệnh LO là gì”, nguyên tắc khớp lệnh đầu tiên của loại lệnh này đó là giá thị trường phải nằm trong khoảng giới hạn phù hợp với mức giá mà nhà giao dịch đã thiết lập trước đó.
Trong thị trường chứng khoán Việt Nam, lệnh LO sẽ có hiệu lực từ khi bắt đầu thiết lập cho tới cuối ngày giao dịch tức 09:00 đến 11:00 và từ 13:00 tới 14:45 trên hai sàn HNX và HOSE. Đối với Upcom, lệnh sẽ có hiệu lực từ 09:00 - 11:00 và chiều thêm 30 phút, tới 15:00. Xét về thứ tự ưu tiên khớp lệnh, lệnh LO xếp sau lệnh ATC và ATO trong phiên khớp lệnh định kỳ và sau lệnh thị trường trong phiên khớp lệnh liên tục. Trong thị trường forex, thì thời hạn hết hạn sẽ tùy thuộc vào loại lệnh LO mà bạn lựa chọn: Lệnh ngày hoặc lệnh GTC (Good til cancel).
Và nguyên tắc khớp lệnh LO cũng vẫn tuân theo nguyên tắc khớp lệnh chung của thị trường. Đó là lệnh LO cũng khớp lệnh mua và bán cùng mức giá hoặc mua bán với mức giá tốt hơn. Để hiểu hơn nguyên tắc khớp lệnh LO là gì hãy cùng xem một ví dụ nhỏ sau. Ví dụ bạn đang có nhu cầu mua cổ phiếu ABC ở mức giá 50,000 VND với số lượng 100 cổ phiếu, tuy nhiên trên thị trường có người bán 200 cổ phiếu ABC ở mức 45,000 VND thì lệnh giao dịch của bạn vẫn khớp ở mức giá 45,000.
Phân loại lệnh LO trong giao dịch chứng khoán
Dựa trên thời điểm đặt lệnh, lệnh LO được chia làm hai loại lệnh phổ biến đó là:
- Limit Order trong phiên ATO
- Limit Order trong phiên ATC
Nguyên tắc khớp lệnh không thay đổi, lệnh limit này sẽ bị huỷ khi giá thị trường không đáp ứng mức giá giới hạn thiết lập trong phiên đó.
Hướng dẫn cách đặt lệnh LO
Dù là thực hiện lệnh LO trong thị trường nào thì đầu tiên bạn sẽ cần phải có tài khoản giao dịch của sàn đó. Cách tạo tài khoản giao dịch trên các sàn đều tương đối đơn giản, bạn cũng không mất quá nhiều thời gian để làm điều này. Bấm vào “Order" hoặc “Lệnh giao dịch" tuỳ mỗi thị trường và nền tảng mà bạn sử dụng để đặt lệnh. Nhập các thông tin theo yêu cầu bao gồm cả mức giá trên và mức giá dưới (giá giới hạn của lệnh). Kiểm tra lại lệnh trước khi bấm vào “Đặt lệnh" và nhập OTP để hoàn thành đặt lệnh.
Sử dụng lệnh LO như thế nào cho hiệu quả?
Là một trong những lệnh giao dịch phổ biến trên thị trường, Limit Order có những ưu và nhược điểm riêng. Nhà đầu tư không nhất thiết luôn đặt lệnh LO trong mọi trường hợp, dưới đây là một số kinh nghiệm, lưu ý khi sử dụng lệnh này để đạt được hiệu quả giao dịch tốt nhất:
- Các nhà đầu tư cần có những phân tích, đánh giá thị trường để xác định khối lượng, mức giá giới hạn phù hợp, tránh bị ảnh hưởng tâm lý đám đông hay đặt lệnh một cách cảm tính.
- Khối lượng và giá giao dịch cũng cần phù hợp với quy mô vốn của mỗi nhà giao dịch
- Linh hoạt sử dụng lệnh Limit trong cả giao dịch mua và bán
- Xác định điểm dừng lỗ phù hợp để tránh việc tài khoản giao dịch phải chịu mức rủi ro quá lớn.
Hy vọng với những thông tin cơ bản phía trên, bạn đã nắm được lệnh LO là gì, nguyên tắc khớp lệnh, cách đặt lệnh cũng như những lưu ý khi giao dịch với lệnh này trên thị trường.