Mô hình 3 đỉnh là gì? Sự khác biệt với mô hình vai đầu vai
Các hạng mục bài viết: Giao dịch CFD  
Thẻ gắn: mô hình 3 đỉnh  
Thời gian đăng bài: 2024-3-15
Mô hình 3 đỉnh hay mô hình Triple Tops có thể không phổ biến như mô hình 2 đỉnh hay mô hình 2 đáy nhưng vẫn nằm trong top các mô hình giá được phần lớn các nhà giao dịch quan tâm. Hãy cùng tìm hiểu thêm về mô hình này cũng như cách giao dịch chúng sao cho mang lại hiệu quả cao nhất cho các nhà giao dịch.
Mô hình 3 đỉnh là gì?
Mô hình 3 đỉnh hay Triple Top là một mô hình giá hình thành trên biểu đồ giao dịch đóng vai trò như một tín hiệu đảo chiều. Mô hình này thường hình thành cuối xu hướng tăng, báo hiệu đảo chiều sang xu hướng giảm giá. Nó sẽ xuất hiện khi giá tạo thành ba đỉnh liên tiếp, sự chênh lệch giữa các đỉnh không quá lớn.
Xét về khía cạnh phân tích kỹ thuật, triple top cho các nhà giao dịch thấy được giá không còn đủ động lực phá vỡ mức cản quan trọng. Hay nói cách khác, không có quá nhiều người sẵn sàng mua ở mức giá đó nữa nên giá buộc phải giảm xuống sau nhiều lần giá kiểm tra mức cản nhưng không thể vượt qua. Sau khi mô hình 3 đỉnh hoàn thành, nó có thể là tín hiệu cho biết xu hướng tăng giá trước đó đã kết thúc và có khả năng giá thị trường đảo chiều giảm giá.
Đặc điểm nhận biết mô hình ba đỉnh? Triple top có phải mô hình vai đầu vai?
Dưới đây là một số đặc điểm cơ bản của mô hình 3 đỉnh giúp bạn dễ dàng nhận biết chính xác mô hình giá này trên biểu đồ:
- Xu hướng: Trước khi mô hình hình thành, thị trường đang ở trong xu hướng tăng giá rõ ràng.
- Ba đỉnh hình thành: Đầu tiên, giá bắt đầu giảm xuống hình thành đỉnh đầu tiên rồi quay đầu tăng giá trở lại. Giá tiếp tục như vậy cho đến khi hình thành ba đỉnh liên tiếp có chiều cao tương tự nhau. Các đáy hình thành xung quanh một mức kháng cự và các đỉnh chưa thể vượt qua mức kháng cự.
- Mô hình hoàn thành: Khi giá phá vỡ mức hỗ trợ hay còn được gọi là đường viền cổ (neckline).
Trong quá trình hình thành, các nhà giao dịch có thể nhầm lẫn chúng với một số mô hình giá khác trên thị trường. Đặc biệt, sẽ có nhiều người nhầm lẫn mô hình 3 đỉnh với mô hình vai đầu vai. Mặc dù có những đặc điểm nhận biết tương đồng nhưng mô hình vai đầu vai hình thành với một đỉnh ở giữa có chiều cao vượt hơn hẳn so với hai đỉnh còn lại. Trong khi đó, ba đỉnh của triple top sẽ có thể chênh lệch nhưng không có đỉnh nào có chiều cao vượt hơn hẳn so với các đỉnh khác của mô hình.
Diễn biến tâm lý thị trường khi hình thành mô hình 3 đỉnh
Ba đỉnh của mô hình cho thấy giá đã ba lần kiểm tra mức cản phía trên hay mức kháng cự nhưng chưa thành công, sức mạnh của phe mua không đủ để có thể phá vỡ mức cản này. Lúc này, nhiều nhà giao dịch thuộc phe bán sẽ có những động thái tích cực hơn, sẵn sàng đặt lệnh ở mức giá cao hơn để đẩy giá xuống khi cảm thấy phe mua đã không còn đủ sức mạnh. Các mức cản cho thấy vùng giá quan trọng trong cuộc chiến giữa phe mua và phe bán.
Mô hình sẽ chỉ hoàn thành khi giá phá vỡ mức hỗ trợ và khi đó, hỗ trợ sẽ trở thành mức kháng cự mới tiềm năng. Tương tự như một số mô hình giá khác, giá thị trường có thể quay lại kiểm tra mức cản đó trước khi thực sự xác định xu hướng giảm mới. Xu hướng giảm này thường sẽ kéo dài bằng với chiều cao của mô hình 3 đỉnh đã hoàn thành trước đó.
Hướng dẫn giao dịch khi mô hình triple tops xuất hiện
Như đã đề cập trong phần đầu tiên, mô hình 3 đỉnh mang đến cho các nhà giao dịch tín hiệu đảo chiều giảm giá. Chính vì vậy mà các nhà giao dịch có thể tận dụng tín hiệu này hỗ trợ cho các dự báo về xu hướng giá trên thị trường, để sẵn sàng cho các chiến lược giao dịch dựa trên tín hiệu này.
Bạn có thể lựa chọn tìm kiếm cơ hội để mở một vị thế bán hoặc tìm vùng giá thích hợp để đóng lệnh mua trước đó. Đối với chiến lược tìm kiếm cơ hội vào vị thế bán mới, các nhà giao dịch cần chờ mô hình thực sự hoàn thành khi nó phá vỡ mức hỗ trợ hay còn được gọi là đường viền cổ.
Lúc này lực bán đủ mạnh để phá vỡ mức cản đã kiểm tra nhiều lần trước đó. Nếu muốn chắc chắn hơn, bạn hoàn toàn có thể chờ xem giá thị trường có quay trở lại kiểm tra mức cản đó và có quay trở lại giảm giá hay không.
Với chiến lược thận trọng này, các nhà giao dịch có thể bỏ lỡ thời điểm tốt nhất để vào lệnh. Bạn cũng có thể lựa chọn vào lệnh ngay khi giá phá vỡ. Tuy nhiên, đừng quên đặt lệnh dừng lỗ để đảm bảo an toàn, giảm thiểu rủi ro cho tài khoản của bạn. Đồng thời cũng có thể kết hợp với một số chỉ báo kỹ thuật như chỉ báo MACD, chỉ báo RSI để xác định các vùng giá quá mua, quá bán để có thể hỗ trợ xác nhận tín hiệu giảm giá. Từ đó các nhà giao dịch có thể đưa ra các chiến lược giao dịch phù hợp nhất.