Mô hình CAPM là gì? Cách Ứng dụng Mô hình Định giá tài sản vốn

Các hạng mục bài viết: Giao dịch CFD  

Thẻ gắn: mô hình capm  

Thời gian đăng bài: 2024-12-3

CAPM là một mô hình tài chính phổ biến được sử dụng trong việc đánh giá lợi nhuận cũng như rủi ro trong giao dịch. Đồng thời mô hình này cũng là nền tảng để các nhà giao dịch có thể xây dựng các mô hình tính toán khác trong đầu tư. Chúng ta sẽ cùng tìm hiểu chi tiết hơn mô hình CAPM là gì, công thức tính mô hình cũng như cách sử dụng mô hình này trong giao dịch qua các phần dưới đây của bài viết.

Những điều cần biết về mô hình CAPM

Mô hình CAPM là gì?

CAPM (viết tắt của Capital Asset Pricing Model) hay mô hình định giá tài sản vốn là một mô hình tính toán lợi nhuận kỳ vọng từ khoản đầu tư, cho các nhà đầu tư có được đánh giá tổng quan rủi ro và lợi nhuận đối với tài sản đầu tư. Nói cách khác, mô hình CAPM như một phương thức xác định xem lợi nhuận thu về có cân bằng với rủi ro mà nhà đầu tư cần phải đối mặt hay không.

Mô hình CAPM là gì

Mô hình này được xây dựng dựa trên nguyên lý kinh tế cơ bản về chi phí cơ hội. Nó được phát triển bởi William Sharpe từ những năm 1960 và cho đến thời điểm này, tức khoảng hơn năm mươi năm có mặt trên thị trường, nó vẫn được sử dụng một cách phổ biến trong các thị trường tài chính và phổ biến nhất là trong chứng khoán. Điều này là bởi CAPM dù đơn giản nhưng lại có được sự hiệu quả khi áp dụng thực tiễn.

Công thức tính mô hình CAPM

Mô hình CAPM bao gồm các thành phần chính là: lợi nhuận kỳ vọng, lợi nhuận phi rủi ro, hệ số Beta và phần bù rủi ro. Các nhà đầu tư có thể tính toán mô hình này theo công thức sau:

E(Ri) = Rf + βi [E(Rm) - Rf]

Trong đó:

  • Ri: Lợi suất kỳ vọng của tài sản
  • Rm: Lợi suất thị trường
  • Rf: Lợi nhuận phi rủi ro
  • Hệ số β
  • Rm - Rf: Phần bù rủi ro

Công thức tính mô hình CAPM

Tỷ lệ lợi nhuận kỳ vọng (Ri)

Là phần lợi nhuận kỳ vọng của tài sản theo thời gian đầu tư hay phần tiền mà nhà đầu tư có thể kiếm được trong suốt thời gian đầu tư. Nó tỷ lệ thuận với rủi ro khi đầu tư vào tài sản đó. Điều này nghĩa là lợi nhuận kỳ vọng của nhà đầu tư càng lớn thì rủi ro mà nhà đầu tư phải đối mặt cũng sẽ lớn hơn và ngược lại.

Tỷ suất sinh lời phi rủi ro (Rf)

Xét về mặt lý thuyết một số tài sản có hệ số rủi ro = 0 hay nói cách khác là nó không có rủi ro. Lợi suất sinh lời phi rủi ro thường tương đương với lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm. Việc lấy lợi suất trái phiếu Chính phủ làm cơ sở cho tỷ suất sinh lời phi rủi ro là bởi khả năng Chính phủ vỡ nợ rất thấp và thậm chí là hiếm thấy.

Tỷ suất sinh lời phi rủi ro là gì

Hệ số Beta

Hệ số Beta hiển thị dưới dạng một con số, đo lường mức độ rủi ro đầu tư, các nhà đầu tư thấy được mức độ biến động giá cổ phiếu và thị trường. Bạn cũng có thể nó là mức độ nhạy cảm của tài sản với những thay đổi trên thị trường. Một số trường hợp cơ bản trong mô hình CAPM liên quan đến hệ số Beta đó là:

  • β  = 0: Lợi nhuận kỳ vọng của tài sản chính bằng lợi nhuận phi rủi ro
  • β = 1: Lợi nhuận kỳ vọng của tài sản bằng lợi nhuận kỳ vọng của thị trường hay rủi ro bằng mức trung bình thị trường
  • β>1: Rủi ro của tài sản cao hơn so với mức trung bình của thị trường
  • β<1: Rủi ro đang thấp hơn mức trung bình thị trường

Xét theo hình học thì mối liên hệ giữa lợi nhuận kỳ vọng của tài sản và hệ số β được biểu diễn bằng đường SML (Security Market Line) với hệ số góc Rm - Rf. Hệ số β cao hay thấp không đồng nghĩa với việc nó tố hay xấu, về cơ bản nó chỉ phản ánh được mức độ rủi ro so với kỳ vọng lợi nhuận của tài sản đó.

Hệ số Beta trong công thức tính CAPM

Ứng dụng mô hình CAPM trong giao dịch

Những phần trên của bài viết tương đối nặng về lý thuyết, có thể bạn chưa thực sự hình dung về cách mô hình CAPM hoạt động hay cách nó được ứng dụng trong giao dịch. Trước hết, hãy cùng nhìn vào ví dụ sau: Giả sử danh mục đầu tư bao gồm hai cổ phiếu A và B với tỷ trọng đầu tư là 60:40, hệ số β lần lượt cho hai cổ phiếu là 1.7 và 0.5. Lợi nhuận phi rủi ro giả sử là 7%, kỳ vọng lợi nhuận thị trường là 13%. Ta sẽ có được:

  • E(RA) = 7 +1.7 x (13 – 7) = 17.2%
  • E(RB) = 7 +0.5 x (13 – 7) = 10%

Mức kỳ vọng lợi nhuận của danh mục đầu tư này được tính bằng 17.2 x 0.6 + 10 x 0.4 = 14.32%. Ngoài ra, mô hình này cũng được sử dụng phổ biến trong việc định giá tài sản. Nó có thể giúp các nhà đầu tư xác định được giá trị nội tại của cổ phiếu, từ đó so sánh với mức giá thị trường của tài sản và đưa ra quyết định bán đi hoặc tiếp tục tích sản để sinh lời.

Ví dụ cách sử dụng mô hình CAPM

Hạn chế và lưu ý khi sử dụng mô hình định giá tài sản vốn

Có một số lưu ý mà bạn cần biết trước khi sử dụng mô CAPM. Trước hết, công thức tính mô hình này hiệu quả khi giả định rằng các nhà đầu tư trên thị trường đưa ra quyết định không bị cảm xúc chi phối mà quan tâm phần lớn vào lợi tức đầu tư. Ngoài ra, việc chỉ dựa vào các dữ liệu trong lịch sử không đủ dữ liệu để chúng ta có thể xác định tổng thể rủi ro của khoản đầu tư đó, thay vào đó nên kết hợp xem xét cả những yếu tố khác trên thị trường khi sử dụng mô hình CAPM đánh giá.