Mô hình Cốc Tay Cầm là gì? Đặc điểm và cách giao dịch
Các hạng mục bài viết: Giao dịch CFD  
Thẻ gắn: mô hình cốc tay cầm  
Thời gian đăng bài: 2024-6-6
Mô hình cốc tay cầm là một trong số những mô hình phổ biến được đề cập tới trong cuốn sách cẩm nang gối đầu giường của nhiều nhà đầu tư “Làm giàu từ chứng khoán" của William O'neil. Cho đến hiện tại, nó vẫn được coi là mô hình giá hiệu quả đưa đến tín hiệu xu hướng tiếp diễn cho các nhà giao dịch. Hãy cùng tìm hiểu xem mô hình cốc tay cầm là gì, cách nó hình thành trên biểu đồ, ý nghĩa đằng sau sự hình thành đó cùng với cách để giao dịch với cốc tay cầm một cách hiệu quả nhất.
Mô hình cốc tay cầm là gì?
Mô hình cốc tay cầm hay Cup and Handle là một mô hình giá có hình dáng bên ngoài giống như một chiếc cốc có phần tay cầm bên cạnh. Trong đó, phần thân cốc thường có hình dạng chữ “U". Như đề cập từ phần giới thiệu của bài viết, mô hình này xuất hiện trong cuốn sách kinh điển của một chuyên gia giao dịch, phân tích kỹ thuật người Mỹ - William J.O'Neil từ năm 1988 và dần trở nên phổ biến hơn sau đó.
Mô hình cốc và tay cầm xuất hiện như một giai đoạn tích luỹ của xu hướng thị trường trước khi tiếp tục xu hướng trước đó. Như tên gọi của mô hình, mô hình này bao gồm hai thành phần chính đó là phần thân cốc và phần tay cầm. Trong đó, phần thân cốc thường sẽ có đáy tròn, hình dạng giống như chữ U. Sau khi hình thành phần thân cốc sẽ tiếp tục hình thành phần tay cầm. Phần tay cầm sẽ hơi lệch nhẹ xuống
Điều kiện mô hình cốc tay cầm hình thành
Để giảm thiểu những tín hiệu giả, các nhà giao dịch ngoài việc nhận biết cơ bản thành phần hình thành mô hình cốc tay cầm cũng cần quan tâm đến điều kiện hình thành cũng như điều kiện xác nhận mô hình đã hoàn thành. Để một mô hình cốc và tay cầm thực sự hình thành và hoàn thành cần đảm bảo những điều kiện sau:
- Xu hướng: Trước khi hình thành mô hình, xu hướng trên thị trường phải là một xu hướng tồn tại rõ ràng. Tuy nhiên nếu thời gian hình thành của xu hướng trước đó càng lớn thì tiềm năng giá tiếp tục tăng sau khi mô hình hình thành càng thấp.
- Phần thân cốc: Thường sẽ tương tự hình dạng chữ U, không đánh giá cao những đáy cốc có hình V bởi ở đây chữ V có thể được đánh giá giống như giá có dấu hiệu đảo chiều mạnh. Và một mô hình cốc và tay cầm hoàn hảo sẽ có hai phần mặt cốc gần như cao bằng nhau. Chiều cao cốc hay độ sâu của thân cốc lý tưởng nhất là khoảng ⅓ mức tăng của xu hướng trước đó.
- Phần tay cầm: Có hình dạng tương đối giống với mô hình cờ hoặc mô hình cờ đuôi nheo dốc xuống hoặc chỉ đơn giản là khoảng thoái lui ngắn của giá trên thị trường. Mức thoái lui của giá thường không vượt quá ⅓ mức tăng của phần thân cốc.
Ý nghĩa mô hình Cup and Handle
Trước khi mô hình Cup and Handle hình thành, xu hướng vẫn đang ở trong giai đoạn tăng giá rõ ràng, tức phần lớn các nhà giao dịch vẫn đang lạc quan về tài sản đang được giao dịch. Đến một mức giá mà sau đó được xác định là vùng kháng cự tạo bởi mô hình cốc tay cầm thì một số nhà giao dịch mua đầu xu hướng bắt đầu chốt lãi, đẩy áp lực bán lên cao và khiến giá giảm xuống. Lúc này phần thân cốc bắt đầu được hình thành. Khi tài sản bị định giá thấp, sẽ có một bộ phận các nhà giao dịch, quỹ đầu tư “nhảy" vào mua. Khi đó, tạo nên nhu cầu lớn hơn, hình thành mức hỗ trợ hay nhìn theo hình dạng mô hình thì chính là phần đáy cốc.
Động thái tăng giá cũng là dấu hiệu cho thấy các nhà đầu tư đang mua vào với khối lượng tăng lên. Tuy nhiên, đến mức kháng cự thì mức tăng gần như chững lại, có thể giảm nhẹ xuống. Lý giải cho điều này là bởi một số nhà giao dịch đã mua ở phần phía bên trái mô hình nghĩ rằng giá đã có thể tăng mạnh sau đó, nhưng thực tế thì giá chỉ tăng nhẹ phần cốc phía bên phải và mục tiêu của họ lúc này là hoà vốn thay vì tìm kiếm lợi nhuận. Áp lực bán sẽ hình thành phần kháng cự. Phần tay cầm sẽ là phần đại diện cho áp lực bán từ những nhà giao dịch bán cổ phiếu với mức lợi nhuận thấp hoặc hoà vốn hoặc có thể là một chút thua lỗ.
Cách giao dịch với mô hình cốc tay cầm
Khi mô hình cốc tay cầm hình thành, các nhà giao dịch thường sẽ tìm kiếm cơ hội để thực hiện giao dịch mua. Điểm vào lệnh lý tưởng là khi giá phá vỡ đỉnh tạo ra bởi phần tay cầm. Lúc này đảm bảo mô hình đã hoàn thành và đưa đến tín hiệu tăng giá. Nếu sẵn sàng chấp nhận rủi ro, bạn cũng có thể vào lệnh ngay khi hoàn thành phần tay cầm của mô hình. Mặc dù phần lợi nhuận mang lại cho bạn rất lớn nhưng cũng không thể phủ nhận rủi ro mô hình không hoàn thành, giá đảo chiều.
Dù vào lệnh theo cách nào thì các nhà giao dịch đều phải đặt lệnh stop loss. Lệnh dừng lỗ sẽ được đặt ở phía bên dưới phần tay cầm hình thành. Mục tiêu chốt lời đối với mỗi nhà giao dịch sẽ khác nhau, tuy nhiên thường mục tiêu lợi nhuận sẽ được xác định bằng chiều cao của phần tay cầm hoặc lớn hơn là phần chiều cao của cốc tính từ vùng kháng cự hình thành bởi mô hình này.
Lưu ý khi giao dịch mô hình Cup and Handle (Cốc và Tay cầm)
Mặc dù có những ưu điểm vượt trội nhưng đối với những nhà giao dịch mới cũng cần lưu ý một số điểm khi giao dịch mô hình cốc và tay cầm:
- Xu hướng trước khi hình thành mô hình
- Độ sâu cốc hay chiều cao của cốc càng nhỏ thì khả năng đưa ra tín hiệu sai càng lớn
- Nếu mới giao dịch, nên chờ mô hình thực sự hoàn thành hoặc giá kiểm tra lại mức kháng cự trước khi vào lệnh giao dịch
- Nên kết hợp mô hình cốc tay cầm với chỉ báo kỹ thuật khác để củng cố tín hiệu giao dịch.