Bạn có thể mua được gì với Bitcoin?
Các hạng mục bài viết: Giao dịch Crypto  
Thẻ gắn: mua đồ bằng bitcoin  
Thời gian đăng bài: 2022-7-29
Giá trị của Bitcoin đã tăng trưởng qua nhiều năm tháng. Một số công ty như Square và IBM đang sử dụng blockchain – công nghệ đứng đằng sau Bitcoin – để thiết kế và cải thiện hình thức thanh toán số.
Nhưng bạn thực sự có thể mua được gì với Bitcoin?
Tuy rằng bạn có thể mua khá nhiều thứ với Bitcoin, nhưng điều đó lại không dễ dàng lắm. “Bitcoin hiện nay vẫn chưa phải là hình thức tiền tệ hiệu quả nhất,” theo lời của Henry Elder, giám đốc quản lý tài chính của Wave Financial, một công ty tài sản số ở Los Angeles.
Ví dụ, bạn có thể mua đồ trên Amazon với Bitcoin thông qua một dịch vụ bên thứ ba mang tên Purse. Theo đó, khách hàng có thể mua sản phẩm Amazon trên Purse bằng cách trao đổi tiền mã hóa của mình với thẻ quà tặng Amazon của người khác.
Purse cam đoan rằng mua hàng qua hình thức này giúp người dùng có được giá khuyến mãi tối thiểu 5% so với giá ban đầu của Amazon, và người mua còn có thể đưa ra mức khuyến mãi cao hơn, để đổi lại với việc giao, nhận hàng chậm hơn.
Tuy nhiên, một số người đã gặp vấn đề trong việc mua hàng qua Purse, không nhận được khuyến mãi theo ý muốn, và cảm thấy việc mua hàng bất tiện hơn so với mua trực tiếp trên Amazon.
Vào năm 2014, Overstock - công ty bán lẻ điện tử trong lĩnh vực đồ nội thất - trở thành một trong những trang thương mại điện tử đầu tiên cho phép người mua trả trực tiếp bằng Bitcoin. Sau đó tiếp tục phát triển một số doanh nghiệp liên quan đến blockchain.
Tuy nhiên vào đầu năm 2021, Jonathan Johnson, CEO của Overstock, đã nói rằng công ty đang không có kế hoạch tập trung nhiều vào phát triển Bitcoin, và Bitcoin không phải là một nguồn thu lớn cho công ty.
Trang web của Overstock đạt được lợi nhuận gần $2 tỷ trong ba quý đầu năm 2020, nhưng chỉ khoảng $2.6 triệu là đến từ tiền mã hóa. “Phân khúc khách hàng chủ yếu của chúng tôi là phụ nữ, trong khi những người mua Bitcoin thường là đàn ông,” ông Jonathan nói. “Đó là một phân khúc khách hàng khác.”
Có vẻ như Bitcoin đã trở thành một lựa chọn thanh toán vì đặc tính của nó phù hợp với khuynh hướng chủ nghĩa tự do cá nhân của cả ông Johnson và Patrick Byrne, người sáng lập Overstock.
Tuy nhiên những dao động lớn trong giá trị của Bitcoin đã thỉnh thoảng tạo ra vấn đề cho Overstock, nhất là những lúc hoàn tiền. Công ty thường nói rõ rằng trong trường hợp hoàn tiền, số tiền được hoàn sẽ dựa trên giá đô la của sản phẩm thay vì giá Bitcoin, nhưng nhiều người vẫn thắc mắc và than phiền về điều đó.
“Chúng tôi không muốn người khác sử dụng sản phẩm đã mua như một cách kiếm tiền khi giá Bitcoin giảm. Có người than phiền rằng ‘Tôi mua sản phẩm này với giá 0.1 Bitcoin nhưng bên ông chỉ hoàn lại 0.08 Bitcoin?’. Đó là chính sách bên tôi.”
Ngoài ra, bởi vì tiền mã hóa không bị quản lý chặt chẽ, việc nhiều người dùng Bitcoin và đồng tiền mã hóa khác trong mua bán hàng cấm không phải là điều quá ngạc nhiên.
Nhiều nhà đầu tư bán lẻ mua Bitcoin thông qua các công ty như Coinbase và Bitpay, và hai sàn giao dịch này thường xuyên xử lý giao dịch giữa người mua và người bán. Bởi vậy, tiền mã hóa đang mất đi tính ẩn danh của mình.
Ngày càng nhiều doanh nghiệp bán lẻ cho phép khách hàng thanh toán bằng Bitcoin, ví dụ như Microsoft và AT&T. Một số app trên cửa hàng Apple and Android cho phép người dùng đổi tiền mã hóa thành tiền định danh để mua vé máy bay.
Đầu năm 2021, một bác sĩ ở New York thông báo rằng sẽ nhận tiền Bitcoin để thanh toán phí khám bệnh từ những ai muốn xét nghiệm COVID ở nhà. Con trai ông nói rằng họ ra quyết định đó vì Bitcoin được đưa tin rất nhiều.
Một đối thủ cạnh tranh lớn của Bitcoin là Ethereum. Nhiều nhà bán lẻ chính thống đã làm quen với tiền mã hóa bằng cách nhận thanh toán bằng một trong hai đồng này. Craigslist còn có chức năng cho phép người dùng trao đổi tiền mã hóa với nhau.
CEO của Overstock còn nói rằng ông đã từng gặp một cụ già 75 tuổi muốn tìm hiểu về Bitcoin.
Mastercard đã hợp tác với Bitpay để ra mắt sản phẩm thẻ debit cho tiền mã hóa, còn Paypal cũng đã cho người dùng ở Mỹ mua, bán, lưu trữ tiền mã hóa, và mua đồ với tiền đó.
Dan Schulman, chủ tịch và CEO của Paypal, cho rằng đây là cơ hội để tiền mã hóa dần dần có thêm chức năng trong cuộc sống, và cho người dùng tiền mã hóa nhiều sự tự do hơn, bao gồm những ai không có tín dụng.
Nhưng ông Schulman không có ý định sử dụng số lượng lớn Bitcoin của mình đề tiêu xài.
Có thể đó là do nhiều người từng sử dụng Bitcoin trong quá khứ giờ đang hối hận điều đó.
Một người từng chia sẻ với báo New York Times rằng anh ta đã dùng hai coin Bitcoin để mua ván trượt vào năm 2013. “Lúc đó Bitcoin giá trị rất thấp, tầm $100 một coin. Nhưng trong năm 2021 nó lên đến hơn $30,000.”
Tương tự, vào năm 2014, Tyler Winklevoss và Cameron Winklevoss (nhà sáng lập công ty đầu tư mạo hiểm Winklevoss Capital Management) đã đổi hàng nghìn Bitcoin của mình thành tiền mặt để mua vé du lịch vũ trụ từ Virgin Galactic. Hai anh em đó đã “mất đi” hàng triệu đô la. May thay cho anh em nhà Winklevoss, đó chỉ là một phần nhỏ trong tổng quỹ Bitcoin của họ. Và còn nhiều loại tiền điện tử đang trên đường đến công ty của họ, Winklevoss Capital, nữa.
Gemini, một doanh nghiệp của Winklevoss, đã ra mắt sản phẩm thẻ tín dụng tích điểm thưởng mà người dùng có thể nhận được tiền mã hóa thay vì hoàn tiền như những thẻ khác.
Trong một cuộc phỏng vấn, Tyler Winklevoss nói rằng anh ta đã rút ra bài học quý giá từ chuyến du lịch vũ trụ: “Tiền mặt là để xài, còn tiền Bitcoin là để đầu tư. Tiền mặt là rác.”