Nến Hammer là gì? Nhận biết và giao dịch mô hình nến búa
Các hạng mục bài viết: Giao dịch CFD  
Thẻ gắn: nến hammer  
Thời gian đăng bài: 2024-3-27
Mô hình nến Hammer được coi là một trong những mô hình “nhỏ nhưng có võ" và chính bởi vậy mà nó phổ biến trong các chiến lược giao dịch. Hãy cùng tìm hiểu mô hình Hammer là gì, cách nhận biết mô hình nến này cũng như cách các nhà giao dịch có thể vào lệnh, đặt stop loss và chốt lời như thế nào khi nến búa xuất hiện.
Nến Hammer là gì?
Nến Hammer là tên của một mô hình nến đơn thường mang tín hiệu đảo chiều khi xuất hiện ở cuối một xu hướng giảm. Mô hình nến Hammer được coi là một mô hình nến đảo chiều tăng giá. Tuy nhiên, bản thân nến búa có thể là một nến tăng hoặc một nến giảm. Hiểu đơn giản đó là giá đóng cửa có thể cao hơn hoặc thấp hơn giá mở cửa nhưng hai mức giá này phải ở gần nhau để đảm bảo phần thân nến nhỏ.
Nó có hình dạng giống như một chiếc búa hoặc tương tự như hình chữ “T”. Điều này khiến cho nến Hammer thường bị nhầm lẫn vẫn mô hình nến Hanging man hoặc đôi khi nhầm lẫn với cả mô hình nến Doji. Tuy nhiên, mô hình nến này có những đặc điểm nhận biết khác biệt so với hai mô hình đó. Chi tiết những đặc điểm này sẽ được đề cập chi tiết trong phần tiếp theo của bài viết.
Đặc điểm nhận biết mô hình Hammer
Mặc dù dễ nhầm lẫn nhưng cũng không khó để các nhà giao dịch có thể xác định được mô hình nến Hammer với những đặc điểm sau:
- Xu hướng giảm giá rõ ràng đã hình thành trước đó
- Phần thân nến ngắn, được tạo bởi giá đóng cửa gần mức giá mở cửa
- Bấc hay bóng nến trên ngắn hoặc có thể không hình thành. Phần bấc nến dưới rất dài, tối thiểu gấp đôi phần thân nến.
Về cơ bản, trong khi mô hình nến Hanging Man hình thành ở cuối xu hướng tăng giá thì mô hình Hammer sẽ xuất hiện ở cuối xu hướng giảm giá. Giá mở cửa và đóng cửa của Hammer chỉ gần nhau không phải bằng nhau như nến doji. Ngoài ra, để hình thành một nến búa thì phần bấc nến trên và dưới có những yêu cầu về độ dài trong khi mô hình nến Doji không bắt buộc phải có những đặc điểm này.
Ý nghĩa nến Hammer
Trước khi nến Hammer hình thành thị trường đã có một xu hướng giảm cho thấy đã có một khoảng thời gian phe bán đã đẩy giá thị trường xuống thấp hơn đáng kể. Tuy nhiên, phe mua đã có động thái kiểm soát hành động giá để gây áp lực lên thị trường và đưa xu hướng đảo chiều. Tín hiệu này được xác nhận khi một nến Hammer thực sự được hình thành trên biểu đồ.
Phần bóng hay bấc nến phía dưới kéo dài cho thấy giá thị trường đang kiểm tra các mức cản quan trọng (key level). Tuy nhiên, áp lực giá sẽ khác nhau tùy thuộc vào khung thời gian mà bạn đang quan sát. Với khung thời gian thấp như khung phút tín hiệu đảo chiều này không thực sự mạnh mẽ và đáng tin tưởng. Nếu để phân tích giao dịch, bạn nên chuyển lên các khung thời gian lớn để thấy rõ được bối cảnh thị trường và có những phán đoán chính xác hơn.
Các loại mô hình nến búa
Như đề cập từ phần đầu tiên của bài viết, thân nến Hammer có thể là nến tăng hoặc nến giảm. Điều này tương ứng với hai loại mô hình nến búa. Cụ thể:
- Nến Hammer tăng (Bullish Hammer): Giá mở cửa phía dưới giá đóng cửa.
- Nến Hammer giảm (Bearish Hammer): Ngược lại với nến búa tăng, nến Hammer giảm có giá đóng cửa phía dưới giá mở cửa.
Mặc dù đều là nến búa, nhưng khi một nến Hammer giảm xuất hiện thì tín hiệu giá đảo chiều sẽ có ít khả năng xảy ra. Khi đó, bạn nên có cân nhắc hoặc kết hợp công cụ khác để đưa quyết định giao dịch phù hợp.
Hướng dẫn giao dịch với nến Hammer (Nến Búa)
Mặc dù đơn giản nhưng kháng cự hỗ trợ vẫn là một phần quan trọng trong các chiến lược giao dịch trên thị trường. Nó giống như một mức cản đối với giá và một khi phá vỡ được thị trường sẽ chứng kiến một biến động đáng kể. Trong chiến lược giao dịch nến Hammer thì nến búa sẽ đóng vai trò giống như một tín hiệu xác nhận cho dự đoán giá đảo chiều tăng giá. Các nhà giao dịch có nhiều cách để vào lệnh khi nến búa hình thành.
Đầu tiên, một lệnh Buy có thể vào tại mức giá mở cửa của nến xác nhận sau khi nến búa hình thành. Ngoài ra, khi giá thị trường được xác định bằng một nửa độ dài của toàn bộ nến Hammer đã hình thành, bạn vào một lệnh Buy. Nếu vẫn cảm thấy hai chiến lược này rủi ro, các nhà giao dịch có thể chờ thêm một nến xác nhận xuất hiện sau khi Hammer hình thành. Mặc dù lợi nhuận thu về sẽ thấp hơn hai cách trước nhưng sẽ giúp bạn giảm thiểu rủi ro trong giao dịch của mình. Lệnh stop loss có thể đặt dưới khoảng 2 - 3 pips so với bấc nến búa.
Cần lưu ý gì khi giao dịch cùng mô hình nến Búa?
Những đặc điểm trong phần trên có thể tương đối đơn giản nhưng các nhà giao dịch không nên bỏ qua bất kỳ điều gì trong số chúng để xác nhận nến búa đã thực sự hình thành. Đặc biệt, hãy để ý xu hướng trước đó, tránh nhận biết các nến Hammer khi thị trường đang biến động sideway. Ngoài ra, cũng nên sử dụng kết hợp công cụ và chỉ báo trên thị trường với nến Hammer để củng cố cho dự đoán và đưa ra quyết định giao dịch phù hợp.