Nến Marubozu là gì? Sử dụng mô hình Marubozu trong giao dịch
Các hạng mục bài viết: Giao dịch CFD  
Thẻ gắn: nến marubozu  
Thời gian đăng bài: 2024-11-28
Các mẫu hình nến là một phần không thể thiếu trong các chiến lược giao dịch theo trường phái phân tích kỹ thuật. Việc biết nhiều mô hình nến sẽ hỗ trợ bạn đa dạng các chiến lược giao dịch tuỳ điều kiện thị trường. Một trong số những mô hình nến Nhật phổ biến mà bạn không nên bỏ qua chính là Marubozu.
Nến Marubozu có nhiều ý nghĩa đằng sau sự hình thành của nó cũng như những chiến lược giao dịch mà bạn có thể tận dụng. Chi tiết hơn về mô hình Marubozu hãy cùng tìm hiểu qua các phần bài viết hôm nay.
Nến Marubozu là gì?
Nến Marubozu trong tiếng Nhật có nghĩa là “nến trọc”, một ý nghĩa khá thú vị. Nó xuất hiện trên biểu đồ với một thân nến dài, không có bấc hay bóng nến bởi giá mở cửa và giá đóng cửa cũng chính là hai mức giá cao nhất và thấp nhất trong phiên giao dịch.
Theo một số tài liệu thì nến Marubozu cũng bắt nguồn từ Nhật Bản, được một thương nhân buôn gạo có tên là Munehisa Homma phát minh từ năm 1724. Nghe đến cái tên này bạn có thể sẽ thấy có một sự quen thuộc, bởi lẽ ông cũng chính là người được coi là “cha đẻ” của mô hình nến Nhật mà chúng ta đang sử dụng rất phổ biến hiện nay.
Đặc điểm nhận biết nến Marubozu
Marubozu hoàn hảo là khi nó được hình thành với một thân nến dài, có thể là nến tăng hoặc nến giảm và phần bấc nến không có. Trên biểu đồ vẫn có thể có những biến thể khác của nến Marubozu với phần bấc nến ngắn bởi thực tế thì mô hình Marubozu hiếm khi xuất hiện trên biểu đồ.
Phần thân nến thường có độ dài tối thiểu bằng khoảng năm nến liền trước nó. Và như đã đề cập thì phần thân nến có thể mang màu xanh hoặc màu đỏ tức là nến tăng hoặc giảm. Giá mở cửa và đóng cửa có thể bằng hoặc gần bằng các mức giá cao nhất và giá thấp nhất đạt được trong phiên tuỳ vào loại nến Marubozu hình thành thời điểm đó.
Ý nghĩa đằng sau mô hình Marubozu
Với một thân nến dài và phần bấc nến rất ngắn hoặc thậm chí là không có cho thấy được sự quyết tâm của một phe trên thị trường và sức mạnh áp đảo của phe đó khi không có quá nhiều phản kháng từ phe còn lại để đẩy giá lên cao hoặc thấp hơn và tạo ra bấc nến.
Khi xuất hiện trong xu hướng tăng, Marubozu cho thấy rằng phe bò hay phe mua đang tích cực mua vào và đẩy giá lên cao hơn nữa. Ngược lại trong xu hướng giảm, có thể dự đoán phe gấu đang nỗ lực bán ra, áp lực bán thấy rõ trên thị trường.
Các biến thể của mô hình nến Marubozu
Chúng ta có thể dễ dàng chia Marubozu thành hai loại chính bao gồm:
- Nến Marubozu tăng giá: Được hình thành với một cây nến xanh dài trên thị trường với phần bấc nến trên và dưới đều ngắn hoặc gần như không có. Giá mở cửa trùng hoặc gần với mức giá thấp nhất phiên và giá đóng cửa bằng hoặc gần bằng với mức giá cao nhất phiên giao dịch. Nói cách khác, đến cuối phiên, mức giá cao nhất đạt được có thể chính là mức giá đóng cửa.
- Nến Marubozu giảm giá: Ngược lại với Marubozu tăng giá, bạn sẽ thấy một Marubozu giảm giá có thân nến đỏ với mức giá mở cửa gần hoặc sát mức giá cao nhất trong phiên và mức giá đóng cửa gần hoặc bằng mức giá thấp nhất mà tài sản giảm xuống trong phiên giao dịch.
Cả hai loại nến này khi xuất hiện trên biểu đồ đều mang đến những tín hiệu giao dịch đáng để tâm. Ý nghĩa các tín hiệu này chúng ta sẽ đi vào chi tiết trong các phần tiếp sau đây.
Hướng dẫn giao dịch với mô hình Marubozu
Hiểu được đặc điểm và ý nghĩa của mô hình nến Marubozu, mỗi nhà giao dịch sẽ có những chiến lược giao dịch riêng. Nếu bạn chưa biết làm thế nào khi Marubozu xuất hiện trên thị trường thì dưới đây là một số chiến lược giao dịch phổ biến với nến Marubozu mà bạn có thể tham khảo.
Chiến lược giao dịch break out
Nếu bạn thấy nến Marubozu xuất hiện sau khi thị trường phá vỡ giai đoạn tích luỹ hoặc phân phối thì có thể đó chính là tín hiệu xu hướng mới của tài sản. Cụ thể, sau giai đoạn tích luỹ, nến Marubozu tăng hình thành thường là tín hiệu xu hướng tăng giá mới chuẩn bị hình thành. Đó là thời điểm mà các nhà giao dịch có thể cân nhắc vào lệnh mua hoặc vị thế mua mới.
Ngược lại, khi giai đoạn phân phối bị phá vỡ và có nến xác nhận xu hướng giảm. Trong phiên giao dịch có thể lượng tài sản bị bán tháo và thị trường tạo một nến Marubozu gỉm lớn. Lúc này các nhà giao dịch có thể cân nhắc vào tìm các cơ hội vào lệnh bán ra hay vị thế bán.
Tín hiệu xu hướng tiếp diễn
Không phải nến Marubozu xuất hiện là xu hướng sẽ đảo chiều mà có thể là tín hiệu cho xu hướng còn tiếp diễn trong thời gian tiếp theo. Khi thị trường đang trong xu hướng tăng giá, nến Marubozu xuất hiện như một tín hiệu cho thấy xu hướng sẽ mạnh hơn, xu hướng tăng tiếp tục. Lúc này bạn có thể kết hợp các chỉ báo kỹ thuật để xác định khối lượng giao dịch trong thị trường. Nếu khối lượng ở mức cao sẽ càng củng cố hơn cho bạn về tín hiệu xu hướng tăng tiếp diễn và ngược lại cũng chính xác với xu hướng giảm giá.
Mô hình nến Marubozu đóng vai trò làm mức cản quan trọng
Nến Marubozu mang ý nghĩa tín hiệu củng cố mạnh mẽ cho tín hiệu đảo chiều hoặc tiếp diễn và ngoài ra còn là tín hiệu của một vùng cản quan trọng mạnh mẽ. Trong biểu đồ, nếu bạn quan sát thấy giá giảm xuống chạm mức hỗ trợ, nến Marubozu tăng xuất hiện sẽ cho thấy được rằng lực mua trên thị trường đang ở mức cao và phe bán khó có thể đẩy giá xuống sâu hơn nữa. Ngược lại, nến Marubozu đỏ hình thành khi giá chạm mức kháng cự sẽ khó có thể phá vỡ và đảo chiều bởi lực bán mạnh sẽ kéo giá xuống thấp hơn nữa.